Người hai lần “dính” bom nguyên tử ở Nhật Bản vẫn sống đến gần trăm tuổi

0
709

Ông Tsutomu Yamaguchi đã sống sót sau thảm họa bom nguyên tử lịch sử ở Hiroshima và Nagasaki.

Ông Tsutomu Yamaguchi

Ngày 6.8.1945, ông Tsutomu Yamaguchi, lúc đó 29 tuổi, đang ở Hiroshima để làm việc cho Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi. Khi đang chuẩn bị về nhà, Yamaguchi nhận ra mình đã quên tài liệu quan trọng ở văn phòng.

Yamaguchi quyết định quay trở lại để lấy tài liệu. Và đó chính là lúc quả bom nguyên tử “Little Boy” của Mỹ phát nổ ngay phía trên thành phố trong Thế chiến hai.

Yamaguchi nói với báo The Times hồi năm 2009: “Cảnh tượng đó giống như magiê cháy, một ánh sáng chói trên bầu trời và tôi bị thổi bay”.

“Khi tôi mở mắt, mọi thứ tối tăm… Tôi tưởng mình đã chết, nhưng cuối cùng bóng tối cũng tan biến và tôi nhận ra mình còn sống… Khi tiếng ồn và vụ nổ đã lắng xuống, tôi thấy một cột lửa hình nấm khổng lồ hướng lên trời. Nó giống như lốc xoáy, mặc dù không di chuyển, nó bốc lên trời và lan ra theo chiều ngang ở trên đỉnh”, Yamaguchi mô tả vụ nổ kinh hoàng.

Yamaguchi bị bỏng nặng ở thân trên, vỡ màng nhĩ và mù tạm thời. Tối hôm đó, ông trú ẩn trong hầm tránh bom trong thành phố, tự chăm sóc vết thương trước khi về nhà ở Nagasaki.


Đám mây bụi ở Hiroshima sau vụ nổ bom nguyên tử năm 1945

Yamaguchi về nhà vào ngày 8.8.1945 và đi làm vào ngày hôm sau, chia sẻ câu chuyện của mình với ông chủ ở Nagasaki. Khi Yamaguchi đang mô tả sự hủy diệt ở Hiroshima, quả bom nguyên tử thứ hai có tên “Fat Man” được thả xuống Nagasaki.

“Tôi nghĩ rằng đám mây hình nấm đã theo tôi từ Hiroshima”, Yamaguchi nói với tờ Independent năm 2009.

Nhưng Yamaguchi đã sống sót một cách kỳ diệu trong vụ đánh bom thứ hai cùng với vợ và con trai sơ sinh của mình. Trong tuần tiếp theo, họ sống trong một hầm tránh bom gần nhà khi Nhật Bản chính thức đầu hàng và Thế chiến 2 kết thúc.

Hai vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật Bản đã giết chết khoảng 200.000 người.


Đám mây bụi khổng lồ xuất hiện sau vụ nổ bom nguyên tử ở Nagasaki năm 1945

Đống đổ nát ở Nagasaki 6 tuần sau vụ nổ bom nguyên tử năm 1945

Cuộc sống sau chiến tranh của Tsutomu Yamaguchi là một khoảng lặng. Ông dần hồi phục từ vết bỏng và các bệnh liên quan đến phóng xạ, trở thành giáo viên trước khi trở lại làm việc cho Mitsubishi.

Lúc đầu, ông lảng tránh tham gia vào các hoạt động ủng hộ giải trừ hạt nhân, bằng lòng sống một cuộc đời bình lặng.

Con gái của ông, cô Toshiko, chia sẻ: “Sau đó, ông ấy vẫn ổn – chúng tôi hầu như không để ý ông ấy là người sống sót sau các vụ nổ. Ông ấy rất khỏe mạnh, ông nghĩ rằng việc tham gia các hoạt động phản đối bom là không công bằng với những người thực sự bị bệnh”.

Nhưng giống như nhiều người sống sót sau các thảm họa ném bom nguyên tử, Yamaguchi và gia đình cuối cùng phải chịu hậu quả của việc phơi nhiễm phóng xạ.

Cả vợ và con trai của ông đều qua đời vì ung thư, một căn bệnh phổ biến trong số những người sống sót.

Khi già đi, Tsutomu Yamaguchi bắt đầu lên tiếng phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông viết một cuốn hồi ký, viết thư cho Tổng thống Mỹ Barack Obama về chủ đề này và xuất hiện trong một bộ phim tài liệu về những người sống sót sau hai vụ đánh bom.

Bộ phim được chiếu tại Liên Hợp Quốc năm 2006. Các nhà sản xuất của bộ phim đã tìm thấy 165 người được cho là sống sót sau cả vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki. Tuy nhiên, Yamaguchi là người duy nhất được chính phủ Nhật Bản công nhận nhờ vào các bản kiến nghị của ông.

“Hai lần tiếp xúc với phóng xạ của tôi là kỷ lục chính thức của chính phủ”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2009. “Nó có thể kể cho thế hệ trẻ về lịch sử kinh hoàng của các vụ đánh bom nguyên tử ngay cả khi tôi chết”.

Năm 2010, Yamaguchi qua đời vì ung thư dạ dày ở tuổi 94.

Nguồn: 24h

Vietnam Airline Sugoi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here